Tin thế giới 29/7: Đại sứ quán Mỹ ở Iraq lại bị tấn công; Nga nói Mỹ vẫn ‘dòm ngó’ Afghanistan; Pháp cáo buộc Anh ‘phân biệt đối xử’
]
Báo Thế giới & Việt Nam điểm lại một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Đại sứ quán Mỹ tại Iraq. (Nguồn: Reuters)
Đại sứ quán Mỹ tại Iraq lại bị bắn tên lửa
Ngày 29/7, các nguồn tin Iraq cho biết, Đại sứ quán Mỹ tại Iraq, năm trong Vùng Xanh được bảo vệ nghiêm ngặt bị tấn công bằng tên lửa.
Điều tra ban đầu phát hiện các tên lửa nhắm bắn sứ quán Mỹ nhưng trượt mục tiêu. Trong đó, một tên lửa đã rơi xuống một bãi đậu xe bên trong Vùng Xanh và quả thứ hai bắn trúng một khu đất trống lân cận. Không có ai bị thương tích gì trong sự cố.
Mặc dù chưa có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về những vụ tập kích nói trên, nhưng các nhà phân tích tin rằng chúng là một phần của làn sóng tấn công nhắm vào quân đội Mỹ, hoặc các khu vực họ đóng quân ở Iraq và Syria, do các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn tiến hành. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN Mỹ rút quân khỏi Iraq: Bỏ chiến, chưa bỏ cuộc
Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan
Ngày 28/7, Hải quân Mỹ cho biết, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Benfold đã di chuyển qua eo biển Đài Loan, đánh dấu lần thứ 7 tàu chiến Mỹ đi qua khu vực này trong năm nay.
“Hoạt động đi qua eo biển Đài Loan khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực ‘Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở’. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động trên không, trên biển và bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, lực lượng Hạm đội 7 của Mỹ tuyên bố.
Phản ứng về động thái này, Chiến khu Đông bộ của quân đội Trung Quốc cho biết, việc di chuyển qua lại thường xuyên của các chiến hạm Mỹ ở eo biển Đài Loan cho thấy “Mỹ là kẻ phá hoại hòa bình và ổn định lớn nhất…và là kẻ gây nên rủi ro về an ninh lớn nhất trên eo biển Đài Loan.
Tuyên bố nói rằng, các binh sĩ thuộc Chiến khu Đông bộ luôn sẵn sàng phản ứng trước mọi mối đe dọa và hành động khiêu khích, đồng thời bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. (Reuters/THX)
Nga: Mỹ vẫn ‘dòm ngó’ Afghanistan dù đã rút quân
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Mỹ vẫn tiếp tục theo dõi bước tiến của Taliban từ xa dù đã rút quân khỏi Afghanistan. Đây là bằng chứng cho thấy Washington vẫn muốn can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia Trung Á này.
“Tại sao bạn lại ra đi nếu bạn vẫn muốn tìm cách biết những gì đang xảy ra bên trong qua hàng rào?”, ông Shoigu đặt câu hỏi.
Theo ông Shoigu, các quan chức Mỹ đang tiến hành các cuộc đàm phán với những quốc gia trong khu vực để thiết lập, duy trì các trung tâm hậu cần và trung tâm vận chuyển thiết bị quân sự.
Việc này cũng giúp Mỹ đưa những người Afghanistan đã hợp tác với quân đội Mỹ đến nơi an toàn trong bối cảnh họ lo sợ bị Taliban trả thù. (RT)
Nga-Mỹ đàm phán ổn định chiến lược hạt nhân
Ngày 28/7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov và người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman đã dẫn đầu các phái đoàn trong cuộc đàm phán về ổn định chiến lược hạt nhân, được tổ chức tại Geneva (Thuỵ Sỹ).
“Có thể nói cuộc họp diễn ra theo hướng tích cực và mang tính xây dựng. Thứ nhất, không có những biện pháp tiếp cận khiến chúng tôi không thoải mái. Bởi điều này đối với chúng tôi là không thể chấp nhận được. Thứ hai, chúng tôi không chỉ thảo luận về nội dung của cuộc đối thoại chiến lược sắp tới, mà còn vạch ra một quan điểm nhất định”, ông Ryabkov nhận xét.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đánh giá quá trình đàm phán diễn ra “chuyên nghiệp và thực chất” đồng thời cho biết thêm rằng nước này hướng đến thảo luận về các chính sách ưu tiên, môi trường an ninh hiện nay, cũng như “triển vọng cho hiệp định kiểm soát vũ khí mới” và cơ chế cho các vòng đàm phán tiếp theo.
Hai phái đoàn của Mỹ và Nga chủ yếu thảo luận về kiểm soát vũ khí, đồng thời nhất trí gặp lại nhau vào tháng Chín. Phạm vi nội dung của cuộc đàm phán hôm 28/7 không được công khai, nhưng các nhà phân tích kỳ vọng đây sẽ là bước khởi đầu của quá trình cắt giảm vũ khí hạt nhân. (Reuters/AP)
TIN LIÊN QUAN Đem vũ khí bán cho Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ quay sang trấn an Nga
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ tin tưởng về tương lai tốt đẹp giữa hai nước
Ngày 28/7 (giờ địa phương), Đại sứ mới của Trung Quốc tại Washington Tần Cương khẳng định ông tin tưởng rằng “cánh cửa mối quan hệ Trung-Mỹ vốn đã được mở sẽ không thể bị đóng lại”.
Phát biểu trước truyền thông Trung Quốc và Mỹ khi đặt chân tới Washington nhận nhiệm vụ mới, ông Tần Cương nhấn mạnh: “Đây là xu hướng của thế giới, là tiếng gọi của thời đại và là ý nguyện của người dân”.
Ông Tần Cương cho biết, 50 năm trước, Tiến sĩ Henry Kissinger đã có chuyến thăm bí mật tới Trung Quốc và mở ra cánh cửa bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ.
Ông nói: “Cuộc gặp diễn ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Khi đó, hầu như không có liên lạc giữa hai nước. Tiến sĩ Kissinger phải bí mật tới Trung Quốc qua một nước thứ ba. 50 năm sau, là Đại sứ thứ 11 của Trung Quốc tại Mỹ, tôi có thể di chuyển tự do và bay thẳng tới đất nước này”.
Nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng, trong nửa thế kỷ qua, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington vẫn tiếp tục tiến lên phía trước bất chấp những thăng trầm. (THX)
Pháp chỉ trích Anh phân biệt đối xử khi duy trì biện pháp cách ly
Bộ trưởng châu Âu của Pháp Clement Beaune ngày 29/7 cho rằng quyết định của Anh duy trì các biện pháp cách ly với những du khách tới từ Pháp, trong khi không áp dụng với những quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu (EU), là phân biệt đối xử và không dựa trên khoa học.
Phát biểu với đài truyền hình LCT, ông Beaune nêu rõ: “Thật quá đáng và thật sự không thể hiểu được về những lý do y tế. Chúng không dựa trên khoa học và có sự phân biệt đối xử với người Pháp. Tôi hy vọng quyết định này sẽ được xem xét lại càng sớm càng tốt.”
Tuy nhiên, quan chức cấp cao này khẳng định Paris vẫn chưa có kế hoạch đưa ra những biện pháp “ăn miếng trả miếng.” (AFP)
TIN LIÊN QUAN Châu Âu bước vào kỳ nghỉ, nỗ lực tiêm vaccine ngừa Covid-19 tăng tốc
Mỹ-Hàn đàm thoại sau khi khôi phục đường dây nóng liên Triều
Các quan chức ngoại giao cấp cao của Hàn Quốc và Mỹ đã có cuộc điện đàm ngày 29/7 sau khi đường dây liên lạc liên Triều được khôi phục làm dấy lên hy vọng nối lại ngoại giao hạt nhân với Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Choi Jong-kun và Đặc phái viên hàng đầu của Seoul về vấn đề hạt nhân Noh Kyu-duk đã có các cuộc điện đàm riêng với những người đồng cấp Mỹ, bà Wendy Sherman và ông Sung Kim, để thảo luận về sự hợp tác nhằm đạt được tiến bộ “thực chất” trong các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong các cuộc điện đàm, ông Choi và ông Noh nói rằng nỗ lực tiếp tục đối thoại và gắn kết với Triều Tiên là rất quan trọng sau khi khôi phục các đường dây liên lạc.
Các quan chức Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với đối thoại liên Triều, lưu ý họ coi việc kích hoạt lại các đường dây liên lạc là một diễn tiến tốt.
Bộ Ngoại giao Hàn ra thông cáo báo chí cho biết: “Hai bên nhất trí tiếp tục liên lạc chặt chẽ về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên dựa trên các nỗ lực ngoại giao chung giữa Hàn Quốc và Mỹ”. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN Chủ tịch Triều Tiên có động thái khác lạ sau bước đi tích cực với Hàn Quốc
Hàn Quốc lên kế hoạch tổ chức hội nghị trực tuyến liên Triều
Ngày 29/7, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, nước này đang lên kế hoạch sử dụng đường dây liên lạc vừa được khôi phục với Triều Tiên để thảo luận việc tổ chức các cuộc gặp song phương trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong một phát biểu, quan chức trên cho hay: “Xét hoàn cảnh đặc biệt do đại dịch Covid-19, chúng tôi lên kế hoạch bàn bạc với Triều Tiên về việc tổ chức một hội nghị trực tuyến hoặc các cách thức an toàn để tổ chức các cuộc gặp trực tiếp”.
Quan chức Hàn Quốc cũng nói rằng, nước này hiện không có kế hoạch hỗ trợ Triều Tiên thiết lập cơ sở và thiết bị cần thiết cho hội nghị trực tuyến.
Ngày 28/7, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bác bỏ thông tin cho rằng, Seoul và Bình Nhưỡng đang bàn về việc sắp xếp một cuộc gặp thượng đỉnh, đồng thời khẳng định, chưa có cuộc thảo luận nào về việc gặp trực tiếp hay trực tuyến giữa lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN Chủ tịch Triều Tiên: Mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc sẽ bền chặt đời đời
Armenia và Azerbaijan lại cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn
Ngày 29/7, Armenia và Azerbaijan đã cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn mà hai bên đã đạt được một ngày trước đó nhờ vai trò hậu thuẫn của Nga.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Armenia cho biết các binh sĩ Azerbaijan đã nổ súng về phía vị trí của binh sĩ Armenia ở khu vực biên giới Gegharkunik vào sáng sớm cùng ngày, buộc các binh sĩ Armenia có hành động đáp trả.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cũng ra tuyên bố cho rằng lực lượng Armenia đã sử dụng súng máy, súng phóng lựu đạn và lựu đạn cầm tay tấn công vào một ngôi làng ở khu vực Kelbajar và buộc các binh sĩ Azerbaijan phải nổ súng đáp trả. (TASS)
Tổng lãnh sự Mỹ Damour thăm kho bảo quản vắc xin Moderna ở TP.HCM
]
Bà Marie Damour thăm kho bảo quản vắc xin Moderna ở TP.HCM - Ảnh: TLS Mỹ tại TP.HCM
Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM hôm 26-7 đăng tải hình ảnh bà Damour tới thăm nhà kho của Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm may.
Đây là nơi đang được dùng để bảo quản gần 1,5 triệu liều vắc xin Moderna theo công nghệ mRNA do Mỹ tài trợ đến TP.HCM cuối tuần trước, và chuẩn bị được phân phối.
Chia sẻ về điều này, bà Damour thổ lộ: “Trong kho rất lạnh, nhưng trái tim chúng tôi ấm áp khi biết rằng những liều vắc xin này sẽ cứu sống hàng ngàn người. Cùng nhau chúng ta sẽ đánh bại COVID-19!”.
Hình ảnh tại kho bảo quản gần 1,5 triệu liều vắc xin COVID-19 Moderna tại TP.HCM - Ảnh: TLS Mỹ tại TP.HCM
Như Tuổi Trẻ Online thông tin trước đó, Mỹ đã trao tặng thêm 3 triệu liều vắc xin Moderna cho Việt Nam thông qua cơ chế tiếp cận vắc xin COVAX. Trong đó, 1,5 triệu liều đã tới Hà Nội sáng 25-7, và gần 1,5 triệu liều đã hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM tối 24-7.
Như vậy, tính tới nay Mỹ đã viện trợ 5 triệu liều vắc xin Moderna cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX. Đợt 2 triệu liều trước đã tới Việt Nam hôm 10-7.
Phát biểu về lô vắc xin 3 triệu liều mới về tới Việt Nam, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ Christopher Klein cho biết: “Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong thời điểm khó khăn này, và tổng số 5 triệu liều vắc xin Moderna với công nghệ mRNA mà chúng tôi trao tặng Việt Nam là minh chứng cho sự hỗ trợ này. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua đại dịch và vươn lên mạnh mẽ hơn”.
Trong khi đó, Tổng lãnh sự Damour cũng chia sẻ trong hôm 25-7: “Chúng tôi tự hào khi có thể hỗ trợ thêm vắc xin của Hoa Kỳ cho Việt Nam, đặc biệt là việc vận chuyển gần 1,5 triệu liều trong tổng số 3 triệu liều đến thẳng TP.HCM, tâm điểm của đợt dịch đang bùng phát mạnh ở Việt Nam”.
Phía Mỹ khẳng định đây là minh chứng mới nhất cho việc hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong việc nâng cao năng lực ứng phó đại dịch COVID-19 của Việt Nam, dựa trên nền tảng quan hệ hợp tác lâu dài.
Mỹ đã hỗ trợ hơn 1 tỉ USD trong những năm qua nhằm giúp Việt Nam phát triển hạ tầng y tế. Ngoài việc trao tặng 5 triệu liều vắc xin, tính từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, Mỹ đã cam kết các khoản hỗ trợ trị giá 19,8 triệu USD nhằm giúp Việt Nam ứng phó đại dịch.
Chia sẻ hôm 24-7, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho biết phía Mỹ đang xem xét viện trợ thêm nữa cho Việt Nam thời gian tới, và đây là “sự chia sẻ, giúp đỡ kịp thời và ý nghĩa đối với Việt Nam”.
Ngoài 5 triệu liều vắc xin Moderna do Mỹ trao tặng theo cơ chế COVAX, Việt Nam trước đó đã tiếp nhận 2.493.600 liều vắc xin AstraZeneca thông qua COVAX.
Cơ chế COVAX do Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều hành, và UNICEF đóng vai trò đối tác phân phối chủ chốt.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng công bố việc Mỹ sẽ cung cấp 500 triệu liều vắc xin Pfizer-BioNTech cho GAVI để phân phối thông qua COVAX cho 92 quốc gia và nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình thấp, theo định nghĩa của Cam kết thị trường mở tiên tiến (COVAX AMC) của GAVI và Liên minh châu Phi. Việt Nam là một trong số các quốc gia này.
Chiến dịch chống lại biến đổi khí hậu
]
(Ảnh: Korea Times)
Chiến dịch này kêu gọi các công ty giải trí lớn của Hàn Quốc tích cực hơn trong phong trào xanh.
Thứ 6 vừa qua, tổ chức Kpop4Planet cho biết, họ sẽ phát động chiến dịch “No K-Pop on a Dead Planet” (tạm dịch: K-Pop sẽ không tồn tại trên một hành tinh chết) vào 100 ngày trước khi bắt đầu Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Anh vào ngày 31/10 sắp tới.
Chiến dịch nhằm vào 4 tập đoàn giải trí lớn là SM, JYP, YG và Hybe. Hybe trước đây có tên là Big Hit Entertainment, hiện đang quản lý nhóm nhạc BTS thống trị bảng xếp hạng Billboard Hot 100 trong nhiều tuần với các bản hit như “Butter” và “Permission to Dance”. YG là công ty đại diện của nhóm nhạc nữ BLACKPINK. Tháng 2 năm ngoái, BLACKPINK còn được bổ nhiệm làm Đại sứ Quan hệ công chúng tại COP26. 4 công ty đã đào tạo nhiều nhóm nhạc và nghệ sĩ solo nổi tiếng trên toàn thế giới, mỗi nghệ sĩ lại thành lập fandom của riêng họ.
(Ảnh: Korea Times)
Theo như chiến dịch, các công ty có ảnh hưởng mạnh mẽ đến xu hướng K-Pop toàn cầu hơn là các nghệ sĩ, fan hâm mộ và chính phủ. Đó là lý do tại sao các công ty phải là một phần của phong trào. Trong một cuộc khảo sát nhiều lựa chọn của Kpop4Planet, các “công ty giải trí” đứng đầu danh sách những người đầu tiên phải thay đổi để giúp văn hóa K-Pop thân thiện hơn với môi trường, với 95,6% lượt bình chọn, xếp sau là “fan hâm mộ” (59,4%) “chính phủ” (46,5%) và “nghệ sĩ” (39,5%).
Nurul Sarifah - một fan hâm mộ K-Pop đến từ Indonesia và là người đồng sáng lập Kpop4Planet - cho biết cô muốn tạo ra sự thay đổi bằng cách tập hợp fan hâm mộ K-Pop trên toàn thế giới, thần tượng và các công ty giải trí sẵn sàng chống lại biến đổi khí hậu. Sarifah chia sẻ thêm rằng mình và bạn bè không muốn trở thành “thế hệ cuối cùng thưởng thức K-Pop”.
Kpop4Planet - thu hút sự quan tâm của mọi người trên Twitter, Instagram và Facebook - đã nói rằng các công ty giải trí có thể tham gia phong trào này bằng cách giảm thiểu việc sử dụng nhựa khi sản xuất album hoặc vật phẩm liên quan đến thần tượng, đồng thời lên kế hoạch cho các buổi concert tạo ra lượng khí thải carbon thấp nhất có thể.
Ban nhạc rock người Anh Coldplay đã đặt tiền lệ cho phong trào này vào năm 2019 khi người đứng đầu Chris Martin phát biểu với BBC rằng họ sẽ trì hoãn chuyến lưu diễn sau khi phát hành album “Everyday Life” để “tìm ra cách mà chuyến lưu diễn có thể không chỉ bền vững mà còn mang lại lợi ích cũng như tác động tích cực đến môi trường”.
Từ trái sang: Jazz, Carla và Xian Guevarra, những người hâm mộ BLACKPINK và Stray Kids, cũng như các thành viên của Kpop4Planet / Courtesy of Climate Media Hub.
Lee Da-yeon, một thành viên của tổ chức Kpop4Planet, cho biết: “Người hâm mộ K-Pop đã và đang làm tốt công việc của mình. Họ trồng cây hoặc gây quỹ cộng đồng cho các nạn nhân của thảm họa thiên nhiên dưới tên của thần tượng. Tôi đã học được rằng để văn hóa K-Pop phát triển bền vững với môi trường bằng sự giúp đỡ của hơn 500 fandom trên toàn thế giới, chúng tôi cũng rất cần sự tham gia và hỗ trợ của các công ty giải trí, bởi họ kiểm soát mọi công việc liên quan đến nghệ sĩ. Nếu các công ty và thần tượng ủng hộ phong trào này thì sức ảnh hưởng sẽ thực sự đáng kinh ngạc".
Thông báo mới nhất của Kpop4Planet đã nhận được sự ủng hộ từ các nhạc sĩ và người hâm mộ trên toàn thế giới. Một trong những người ủng hộ là Fay Milton, thành viên ban nhạc rock Savages của Anh, người đồng sáng lập “Music Declares Emergency” năm 2019 - một phong trào toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu cho đến nay đã có sự tham gia của khoảng 1.300 tổ chức từ ngành công nghiệp âm nhạc thế giới, 2.900 nghệ sĩ và 1.400 người hâm mộ.
Milton phát biểu: “Âm nhạc và văn hóa có sức mạnh truyền cảm hứng và thay đổi chính trị. Đã đến lúc nó phải thay đổi. Các fandom K-Pop là một trong những cộng đồng âm nhạc lớn mạnh nhất trên thế giới và sức mạnh của họ không nên bị đánh giá thấp!".
Jazz, một người hâm mộ BLACKPINK đến từ Philippines chia sẻ: “K-Pop là một động lực mạnh mẽ để thay đổi xã hội. Khi nói về con số, họ thống trị mạng xã hội ngày nay… Tôi hy vọng sứ mệnh của BLACKPINK không chỉ dừng lại tại COP26 nhưng còn vượt xa hơn thế. Nếu công ty YG thực hiện thêm nhiều hành động bảo vệ môi trường thì mọi người trong fandom BLINK, gồm có tôi, sẽ hoàn toàn ủng hộ”.
Lavi, một fan hâm mộ BTS đến từ Indonesia, nói: “Nhóm đã dạy tôi nhiều điều. Một trong số đó là tinh thần đoàn kết biến ước mơ trở thành hiện thực. BTS đã cho thấy âm nhạc có tác động to lớn như thế nào đến cách mọi người cảm nhận môi trường xung quanh. Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó BTS sẽ tạo ra một ca khúc đặc biệt về thiên nhiên, kêu gọi mọi người cùng hợp tác để cứu hành tinh này”.
Carla, một fan hâm mộ nhóm nhạc Stray Kids và Blackpink đến từ Bồ Đào Nha cho biết: “Sức mạnh của các công ty giải trí Hàn Quốc có thể cứu giúp hành tinh phát triển bền vững hơn. Hãy thay đổi và tham gia cùng chúng tôi. Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa đâu. Một ngày nào đó sẽ không còn tài nguyên để sản xuất thêm bất cứ cuốn album nào cả. Thay đổi thôi!”.
Xian Guevarra cũng là fan hâm mộ nhóm nhạc Stray Kids và thuộc chiến dịch “Thanh niên hành động vì khí hậu” đã lên tiếng: “Cùng nhau, chúng ta có thể làm được #SustainableKPOP”.