Chiến dịch chống lại biến đổi khí hậu

img ]

(Ảnh: Korea Times)

Chiến dịch này kêu gọi các công ty giải trí lớn của Hàn Quốc tích cực hơn trong phong trào xanh.

Thứ 6 vừa qua, tổ chức Kpop4Planet cho biết, họ sẽ phát động chiến dịch “No K-Pop on a Dead Planet” (tạm dịch: K-Pop sẽ không tồn tại trên một hành tinh chết) vào 100 ngày trước khi bắt đầu Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Anh vào ngày 31/10 sắp tới.

Chiến dịch nhằm vào 4 tập đoàn giải trí lớn là SM, JYP, YG và Hybe. Hybe trước đây có tên là Big Hit Entertainment, hiện đang quản lý nhóm nhạc BTS thống trị bảng xếp hạng Billboard Hot 100 trong nhiều tuần với các bản hit như “Butter” và “Permission to Dance”. YG là công ty đại diện của nhóm nhạc nữ BLACKPINK. Tháng 2 năm ngoái, BLACKPINK còn được bổ nhiệm làm Đại sứ Quan hệ công chúng tại COP26. 4 công ty đã đào tạo nhiều nhóm nhạc và nghệ sĩ solo nổi tiếng trên toàn thế giới, mỗi nghệ sĩ lại thành lập fandom của riêng họ.

(Ảnh: Korea Times)

Theo như chiến dịch, các công ty có ảnh hưởng mạnh mẽ đến xu hướng K-Pop toàn cầu hơn là các nghệ sĩ, fan hâm mộ và chính phủ. Đó là lý do tại sao các công ty phải là một phần của phong trào. Trong một cuộc khảo sát nhiều lựa chọn của Kpop4Planet, các “công ty giải trí” đứng đầu danh sách những người đầu tiên phải thay đổi để giúp văn hóa K-Pop thân thiện hơn với môi trường, với 95,6% lượt bình chọn, xếp sau là “fan hâm mộ” (59,4%) “chính phủ” (46,5%) và “nghệ sĩ” (39,5%).

Nurul Sarifah - một fan hâm mộ K-Pop đến từ Indonesia và là người đồng sáng lập Kpop4Planet - cho biết cô muốn tạo ra sự thay đổi bằng cách tập hợp fan hâm mộ K-Pop trên toàn thế giới, thần tượng và các công ty giải trí sẵn sàng chống lại biến đổi khí hậu. Sarifah chia sẻ thêm rằng mình và bạn bè không muốn trở thành “thế hệ cuối cùng thưởng thức K-Pop”.

Kpop4Planet - thu hút sự quan tâm của mọi người trên Twitter, Instagram và Facebook - đã nói rằng các công ty giải trí có thể tham gia phong trào này bằng cách giảm thiểu việc sử dụng nhựa khi sản xuất album hoặc vật phẩm liên quan đến thần tượng, đồng thời lên kế hoạch cho các buổi concert tạo ra lượng khí thải carbon thấp nhất có thể.

Ban nhạc rock người Anh Coldplay đã đặt tiền lệ cho phong trào này vào năm 2019 khi người đứng đầu Chris Martin phát biểu với BBC rằng họ sẽ trì hoãn chuyến lưu diễn sau khi phát hành album “Everyday Life” để “tìm ra cách mà chuyến lưu diễn có thể không chỉ bền vững mà còn mang lại lợi ích cũng như tác động tích cực đến môi trường”.

Từ trái sang: Jazz, Carla và Xian Guevarra, những người hâm mộ BLACKPINK và Stray Kids, cũng như các thành viên của Kpop4Planet / Courtesy of Climate Media Hub.

Lee Da-yeon, một thành viên của tổ chức Kpop4Planet, cho biết: “Người hâm mộ K-Pop đã và đang làm tốt công việc của mình. Họ trồng cây hoặc gây quỹ cộng đồng cho các nạn nhân của thảm họa thiên nhiên dưới tên của thần tượng. Tôi đã học được rằng để văn hóa K-Pop phát triển bền vững với môi trường bằng sự giúp đỡ của hơn 500 fandom trên toàn thế giới, chúng tôi cũng rất cần sự tham gia và hỗ trợ của các công ty giải trí, bởi họ kiểm soát mọi công việc liên quan đến nghệ sĩ. Nếu các công ty và thần tượng ủng hộ phong trào này thì sức ảnh hưởng sẽ thực sự đáng kinh ngạc".

Thông báo mới nhất của Kpop4Planet đã nhận được sự ủng hộ từ các nhạc sĩ và người hâm mộ trên toàn thế giới. Một trong những người ủng hộ là Fay Milton, thành viên ban nhạc rock Savages của Anh, người đồng sáng lập “Music Declares Emergency” năm 2019 - một phong trào toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu cho đến nay đã có sự tham gia của khoảng 1.300 tổ chức từ ngành công nghiệp âm nhạc thế giới, 2.900 nghệ sĩ và 1.400 người hâm mộ.

Milton phát biểu: “Âm nhạc và văn hóa có sức mạnh truyền cảm hứng và thay đổi chính trị. Đã đến lúc nó phải thay đổi. Các fandom K-Pop là một trong những cộng đồng âm nhạc lớn mạnh nhất trên thế giới và sức mạnh của họ không nên bị đánh giá thấp!".

Jazz, một người hâm mộ BLACKPINK đến từ Philippines chia sẻ: “K-Pop là một động lực mạnh mẽ để thay đổi xã hội. Khi nói về con số, họ thống trị mạng xã hội ngày nay… Tôi hy vọng sứ mệnh của BLACKPINK không chỉ dừng lại tại COP26 nhưng còn vượt xa hơn thế. Nếu công ty YG thực hiện thêm nhiều hành động bảo vệ môi trường thì mọi người trong fandom BLINK, gồm có tôi, sẽ hoàn toàn ủng hộ”.

Lavi, một fan hâm mộ BTS đến từ Indonesia, nói: “Nhóm đã dạy tôi nhiều điều. Một trong số đó là tinh thần đoàn kết biến ước mơ trở thành hiện thực. BTS đã cho thấy âm nhạc có tác động to lớn như thế nào đến cách mọi người cảm nhận môi trường xung quanh. Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó BTS sẽ tạo ra một ca khúc đặc biệt về thiên nhiên, kêu gọi mọi người cùng hợp tác để cứu hành tinh này”.

Carla, một fan hâm mộ nhóm nhạc Stray Kids và Blackpink đến từ Bồ Đào Nha cho biết: “Sức mạnh của các công ty giải trí Hàn Quốc có thể cứu giúp hành tinh phát triển bền vững hơn. Hãy thay đổi và tham gia cùng chúng tôi. Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa đâu. Một ngày nào đó sẽ không còn tài nguyên để sản xuất thêm bất cứ cuốn album nào cả. Thay đổi thôi!”.

Xian Guevarra cũng là fan hâm mộ nhóm nhạc Stray Kids và thuộc chiến dịch “Thanh niên hành động vì khí hậu” đã lên tiếng: “Cùng nhau, chúng ta có thể làm được #SustainableKPOP”.

Coi Việt Nam là “Nước đối tác toàn cầu”, Đức cam kết hỗ trợ thêm 113,5 triệu Euro

img ]

Sáng 30/7, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam phát đi thông cáo báo chí về kết quả cuộc đàm phán Chính phủ Đức-Việt về hợp tác phát triển giữa hai nước bằng hình thức trực tuyến diễn ra mới đây.

Đây là cuộc đàm phán chính phủ đầu tiên của Đức với Việt Nam sau khi Việt Nam được xếp hạng mới là “Nước đối tác toàn cầu” trong khuôn khổ chiến lược mới về hợp tác phát triển của Chính phủ Liên bang, nhấn mạnh vai trò là một đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam.

Hai nước đã quyết định mở rộng hợp tác trong các chủ đề cốt lõi “Đào tạo và Tăng trưởng bền vững cho việc làm có chất lượng”; “Trách nhiệm đối với hành tinh của chúng ta – Khí hậu và Năng lượng”; và “Bảo vệ các cơ sở sống của chúng ta – Môi trường và các Nguồn tài nguyên thiên nhiên”. Hai bên cũng đã thảo luận về nhiều chủ đề khác: Y tế/Đại dịch/ ONE HEALTH; Hòa bình và Hợp tác xã hội.

Với những khoản cam kết thêm tối đa là 113,5 triệu Euro, Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang (BMZ) hỗ trợ Việt Nam trong hai năm tới triển khai mô hình phát triển bền vững của mình và đảm nhận nhiều hơn nữa trách nhiệm toàn cầu.

Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên và An toàn hạt nhân Liên bang cam kết thêm 30 triệu Euro cho giai đoạn tài trợ tiếp theo trong khuôn khổ chương trình Sáng kiến khí hậu quốc tế, để tài trợ cho các dự án đa dạng sinh học và khí hậu tại Việt Nam.

Quan hệ hợp tác trong hai năm tới tập trung trước hết vào các lĩnh vực Bảo vệ khí hậu toàn cầu, Hội nhập kinh tế và Thích ứng với biến đổi khí hậu, Bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như kết nối mạnh mẽ hơn với các chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Ngoài ra, Đức hỗ trợ Việt Nam khắc phục tình trạng thiếu nhân lực chuyên môn và hỗ trợ tăng cường các chuỗi cung ứng bền vững. Trong khuôn khổ bảo vệ sức khỏe toàn cầu và phòng ngừa đại dịch, Đức tư vấn cho Việt Nam trong công tác chống buôn bán trái phép động vật hoang dã và tránh những bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường” cho Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam

img ]

(TN&MT) - Sáng 23/7, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có buổi tiếp và trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường” cho ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chúc mừng ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam

Bộ trưởng cảm ơn Đại sứ quán Phần Lan và cá nhân Ngài Đại sứ đã hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đặc biệt trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải rắn, chất lượng không khí và khí tượng thủy văn, nước sạch và vệ sinh môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán Phần Lan và tin tưởng rằng mối quan hệ hợp tác giữa Bộ và Đại sứ quán sẽ ngày càng bền chặt và hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường sẽ tiếp tục phát triển và mang lại những kết quả cụ thể và tốt đẹp hơn.

Trao đổi với Kari Kahiluoto, Bộ trưởng cho biết, sắp tới Đại sứ sẽ có nhiệm kỳ công tác tại Iran, chúc ông Kari Kahiluoto và gia đình dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Mong muốn dù ở cương vị công tác nào, cũng mong Ngài Đại sứ giữ những kỷ niệm tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam cũng như tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho Việt Nam và hy vọng ông sớm có dịp quay trở lại Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường” cho Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam

Trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Đại sứ Kari Kahiluoto đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ trong suốt thời gian làm việc cùng các đồng nghiệp Bộ TN&MT và các đối tác Việt Nam trong triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ của Phần Lan trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu vì mục tiêu phát triển bền vững lâu dài tại Việt Nam.

Đại sứ Kari Kahiluoto cho biết, Việt Nam đang phấn đấu thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 theo như Nghị quyết của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam trong năm 2021. Mục tiêu phát triển này thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ nhằm nâng cao tiêu chuẩn và điều kiện sống cho toàn dân. Để đạt được mục tiêu này, công tác bảo vệ môi trường luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong mọi chính sách và hoạt động phát triển.

Phần Lan luôn tự hào đồng hành cùng Việt Nam từ những đầu tư vào nhu cầu thiết yếu đầu tiên như cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đến công tác quản lý và bảo vệ rừng trên phạm vi cả nước.

Bộ trưởng trao quà kỷ niệm cho Đại sứ Kari Kahiluoto

Công nghệ và trí thức kinh nghiệm của Phần Lan luôn đáp ứng mọi thời kỳ nhu cầu phát triển cấp thiết của Việt Nam. Việt Nam và Phần Lan đang cùng hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn hiệu quả. Cả hai nước đều nhận thấy là đối tác tin cậy và bổ sung lẫn nhau trong các sáng kiến kinh tế tuần hoàn.

Việt Nam vừa thông qua Luật Bảo vệ môi trường mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn tới. Quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn đô thị, là một trong các ưu tiên trọng tâm của Chính phủ và Bộ TN&MT trên cương vị là cơ quan đầu mối về quản lý chất thải tại Việt Nam.

Phần Lan một lần nữa mong muốn đóng góp với giải pháp công nghệ bền bỉ và kinh nghiệm đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trong đó có khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi phấn đấu thành đối tác tích cực của Việt Nam trong quản lý chất thải trong các năm tới.

Để cảm ơn và ghi nhận những đóng góp của Ngài Đại sứ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng Ngài Đại sứ Kỷ niệm chương, phần thưởng dành cho các cán bộ của ngành Tài nguyên và Môi trường sau khi hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ với Nhà nước và có những đóng góp cho ngành.