‘Ngoại giao vaccine’ của Đại sứ quán Việt Nam tại Anh: Hai ‘mũi chủ công’, góp phần tự chủ vaccine Covid-19 sớm nhất

img ]

Đối thoại hợp tác y tế Việt Nam-Vương quốc Anh ngày 22/7 nhấn mạnh những hợp tác chống Covid-19 giữa hai nước. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Anh)

Thưa Đại sứ, ngày 3/8 vừa qua, Anh đã trao tặng 415.000 liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam. Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của hoạt động này đối với quan hệ hai nước trong hợp tác chống đại dịch Covid-19?

Chính phủ Anh trao tặng 415.000 liều vaccine AstraZeneca trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua làn sóng Covid-19 lớn nhất từ trước tới nay là sự chia sẻ, giúp đỡ rất ý nghĩa và kịp thời đối với Việt Nam.

Việt Nam được ưu tiên trao tặng vaccine ngay trong đợt thứ nhất chính phủ Anh triển khai gói viện trợ song phương 5 triệu liều vaccine Covid-19 tới 16 quốc gia và vùng lãnh thổ bên cạnh các cam kết đa phương trong khuôn khổ COVAX.

Vaccine AstraZeneca là loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được cấp phép sử dụng ở Việt Nam. Cho tới nay, trong tổng số khoảng 19 triệu liều vaccine Covid-19 mà Việt Nam đã nhận được từ nhiều nguồn, 8,6 triệu liều vaccine (chiếm 60%) là vaccine Oxford-AstraZeneca được phân bổ qua thỏa thuận đặt mua của VNVC, chương trình COVAX và nguồn hiến tặng song phương giữa các chính phủ.

Hơn 4 triệu liều vaccine Oxford-AstraZeneca đã được tiêm cho các nhân viên y tế và các cán bộ thuộc tuyến đầu chống dịch.

Sự hỗ trợ của chính phủ Anh là minh chứng cho mối quan hệ Đối tác chiến lược đang phát triển tốt đẹp, mang ý nghĩa bao trùm giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong hơn 10 năm qua, đồng thời thể hiện quyết tâm của Chính phủ hai nước cùng đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu với tinh thần “không một ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn”.

Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh hỗ trợ theo cơ chế song phương, Anh cũng có những đóng góp rất lớn cho cơ chế COVAX nhằm tạo điều kiện tiếp cận vaccine công bằng giữa các nước, Đại sứ đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Anh trong bản đồ phân bổ vaccine Covid-19?

Anh là quốc gia đã đứng ở tuyến đầu với những đóng góp to lớn cho việc sản xuất và phân phối vaccine Covid-19 cho thế giới. Ngay từ đầu đại dịch, tháng 5/2020, chính phủ Anh đã tài trợ 65,5 triệu Bảng Anh cho chương trình nghiên cứu và thử nghiệm vaccine Covid-19 của Đại học Oxford phối hợp với Công ty dược phẩm AstraZeneca với cam kết vaccine sản xuất phi lợi nhuận.

Đây cũng là lý do giá thành của vaccine Oxford-Astra Zeneca rất thấp so với các vaccine khác.

Cũng trong năm 2020, Anh là một trong nước tích cực nhất trong việc đóng góp thành lập COVAX, là thành viên tài trợ lớn thứ 4 thế giới với cam kết 548 triệu Bảng Anh. Tính đến ngày 28/7, COVAX đã phân bổ 81 triệu liều vaccine Covid-19 cho 129 quốc gia trên thế giới, trong số đó 96% là vaccine Oxford-AstraZeneca, loại vaccine do Vương quốc Anh tài trợ sản xuất.

Từ nay đến hết năm 2022, chính phủ Anh đưa ra cam kết hiến tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó 5 triệu liều sẽ được tặng trong vòng tháng 9/2021. Thực hiện cam kết của mình, ngày 28/7, Anh đã công bố tặng 9 triệu liều vaccine Oxford-AstraZeneca cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Ngoài Việt Nam, hơn 700 triệu liều vaccine Oxford-AstraZeneca đã được phân bổ đến hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nghiên cứu từ Cơ quan Y tế công cộng của Vương quốc Anh cho biết, vaccine Oxford-AstraZeneca có tác dụng 92% trong việc ngăn ngừa tỷ lệ người nhiễm bệnh phải nhập viện với biến chủng Delta và 86% với biến chủng Alpha.

Đại sứ Nguyễn Hoàng Long: Đại sứ quán sẽ chú trọng thúc đẩy để Astra Zeneca sớm giao vaccine đã cam kết, để cùng với các nguồn vaccine khác, góp phần thực hiện mục tiêu đến hết quý I/2022 tiêm chủng cho khoảng 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Đánh giá của Đại sứ đối với quyết định mở cửa hoàn toàn của chính phủ Anh, dù số ca nhiễm Covid-19 vẫn rất cao?

Nhiều chuyên gia y tế nhận xét Anh là mô hình thí nghiệm cho các nước đã đạt miễn dịch cộng đồng về việc mở cửa nền kinh tế. Trên thực tế, Anh là nước đầu tiên quyết định dỡ bỏ hết các biện pháp hạn chế Covid-19 dù ca nhiễm tăng lên, lên đến 50.000 ca nhiễm/ngày tại thời điểm bắt đầu mở cửa.

Việc quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được chính phủ Anh đưa ra sau khi xem xét tình hình dịch bệnh Covid ở Anh đã đạt được 4 tiêu chí.

Thứ nhất, chương trình triển khai vaccine Covid-19 đạt thành công với 87,8% dân số trưởng thành của Vương quốc Anh đã tiêm một liều vaccine và 69,2% đã tiêm đủ hai liều.

Thứ hai, chính phủ Anh đưa ra các bằng chứng cho thấy, vaccine có đủ hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong ở những người được tiêm chủng. các số liệu gần đây cho thấy, chương trình tiêm chủng đã làm yếu mối liên kết giữa các ca nhiễm và bệnh nhân nhập viện cũng như giảm số ca nhập viện và tử vong.

Những người chưa tiêm phòng sẽ có khả năng nhập viện nếu nhiễm Covid-19, cao hơn 2,4 lần và tử vong cao hơn 3 lần so với người đã được tiêm chủng. Trên thực tế, mặc dù ca nhiễm có lúc đạt đến đỉnh trong làn sóng Covid-19 trước đây nhưng số lượng người tử vong thấp hơn rất nhiều (người tử vong trung bình 7 ngày trong tháng 8 là 77 người/ngày so với 1250 người/ngày trong tháng 1).

Thứ ba, tỉ lệ nhiễm không có nguy cơ gia tăng số ca nhập viện và gây áp lực không bền vững lên hệ thống y tế nước Anh. Mặc dù số ca nhiễm tăng lên, nhưng chủ yếu ở những người trưởng thành trẻ hơn nhiều so với các lần trước với khả năng tiến triển đến nhập viện và tử vong thấp hơn nhiều; trong khi đó những người cao tuổi và có bệnh nền với nhiều khả năng phải nhập viện nhất nếu bị nhiễm Covid-19 đã được bảo vệ khi được ưu tiên tiêm vaccine từ sớm. Điều này đã giảm thiểu khả năng hệ thống y tế của Anh bị quá tải.

Thứ tư, đánh giá về các rủi ro cơ bản không bị thay đổi bởi các biến thể mới. Covid-19 có thể trở thành bệnh dịch theo mùa, tiếp tục lưu hành ở mức độ thấp hơn trong các tầng lớp dân cư với mức tăng đột biến nhỏ hơn do thay đổi hành vi và ảnh hưởng theo mùa. Trung bình hiện nay số người tử vong do Covid-19 ở Anh xuống thấp hơn 100 người/ngày (tính trung bình 7 ngày), trong khi cúm mùa có thể gây ra số người tử vong trên 100 người và nhập viện khoảng 1.000 người/ngày.

Tuy nhiên, từ ngày dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế do Covid-19 từ 19/7 đến nay, Anh ghi nhận nhiều ngày giảm liên tiếp các ca nhiễm bệnh. Các ca nhiễm mới chỉ dừng lại ở khoảng 28.000 ca vào ngày 16/8, giảm so với ngày mở cửa là 47.000 ca nhiễm.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi xảy ra đại dịch ở Anh mà việc các ca nhiễm giảm liên tục không trùng với việc áp dụng các biện pháp hạn chế toàn quốc. Các ca nhiễm giảm mạnh sau khi nước Anh quyết định mở cửa, bỏ hoàn toàn các hạn chế do Covid-19 cho thấy hiệu quả của việc tiêm phòng cũng như việc các nước đang dần chấp nhận sống chung với Covid-19.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, quan điểm Covid-19 sẽ không bao giờ qua đi đã là một đồng thuận chung, thừa nhận rộng rãi trong xã hội.

Anh cùng với các nước Bỉ, Hà Lan, Bồ Đào Nha đến nay có thể được xem là thành công trong việc kiểm soát đại dịch, mở cửa nền kinh tế, sớm vượt qua làn sóng dịch hiện nay mà không phải áp dụng các biện pháp hạn chế có hại cho nền kinh tế.

Việc cho phép du khách đã được tiêm hai mũi từ Mỹ và EU nhập cảnh vào Anh không phải cách ly được xem là biện pháp để kinh tế Anh sớm quay trở lại bình thường. Trong bối cảnh nhiều nước đang phải áp dụng các biện pháp hạn chế do Covid-19, nước nào sớm kiểm soát được dịch, tạo được miễn dịch cộng đồng lớn sẽ có nhiều lợi thế hơn so với các nước khác trong phát triển kinh tế.

Ngày 3/8, Anh đã trao tặng 415.000 liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Anh)

“Ngoại giao vaccine” sẽ tiếp tục được thúc đẩy như thế nào trong hợp tác Việt-Anh trong thời gian tới, thưa Đại sứ?

Việc tiêm phòng có ý nghĩa quyết định trong phòng chống dịch Covid-19 và được xem là phương thuốc duy nhất hiện nay để các nước dỡ bỏ dần các hạn chế, nối lại di chuyển quốc tế, bảo đảm kết nối chuỗi cung ứng, khôi phục kinh tế.

Theo thông tin từ Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, đến nay mới chỉ ít hơn một phần tư các quốc gia tiêm phòng 40% dân số. Giám đốc Y tế của Anh cho rằng sẽ mất 5 năm để có được vaccine mà có thể kiểm soát được các biến thể của Covid-19. Theo đó, tình hình khan hiếm vaccine sẽ tiếp tục diễn ra và nhu cầu sử dụng vaccine Covid-19 của các nước sẽ rất lớn và lâu dài.

Trong bối cảnh đó cùng với việc Việt Nam đang tích cực triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử với những nỗ lực để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, ’ngoại giao vaccine’ tiếp tục sẽ là một trọng tâm ưu tiên của Đại sứ quán trong thời gian tới và sẽ được triển khai quyết liệt, với hai trọng tâm:

Ưu tiên hàng đầu của Đại sứ quán là tiếp tục tiếp cận các đối tác, tìm kiếm các nguồn cung vaccine hiệu quả cho Việt Nam. Trong đó, Đại sứ quán sẽ chú trọng thúc đẩy để Astra Zeneca sớm giao vaccine đã cam kết, để cùng với các nguồn vaccine khác, góp phần thực hiện mục tiêu đến hết quý I/2022 tiêm chủng cho khoảng 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Đồng thời, đẩy mạnh vận động chính phủ Anh, là nước có đóng góp lớn cho COVAX có tiếng nói ủng hộ việc phân bổ vaccine cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, tìm hiểu, nghiên cứu thông tin và tiếp xúc các đối tác về các loại vaccine có khả năng chống lại các biến thể mới của Covid-19 cũng sẽ được quan tâm. Hiện một số công ty của Anh đang thử nghiệm một số loại vaccine phòng Covid-19 có kết quả tốt và dự kiến sẽ được phê duyệt vào thời gian tới. Đây sẽ là một hướng tốt để chúng ta tiếp cận sớm hơn, bảo đảm được phân phối sớm các loại vaccine hiệu quả trong tương lai.

Trọng tâm thứ hai là vận động, trao đổi để các đối tác chuyển giao công nghệ, hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực tự sản xuất vaccine trong nước. Với một nước đông dân như Việt Nam thì ta cần chủ động nguồn cung cho vaccine để bảo đảm cuộc sống bình thường và duy trì các hoạt động kinh tế-xã hội lâu dài.

Nhiều quốc gia châu Âu hiện nay không chủ động được nguồn lực để tự sản xuất vaccine, nhu cầu nhập khẩu vaccine Covid-19 rất lớn. Theo đó, nếu Việt Nam có thể tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine thì không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà đây sẽ trở thành thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Anh trao tặng Việt Nam 415.000 liều vaccine Covid-19 Ngày 28/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh, Dominic Raab thông báo Anh sẽ trao tặng 415.000 liều vaccine phòng …

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao đổi về thúc đẩy ngoại giao vaccine Trao đổi với các phóng viên bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, ngoại giao vaccine được triển …

Đại sứ quán Việt Nam tại Đức tiếp nhận 10 tấn hàng viện trợ Việt Nam chống Covid-19

img ]

Số hàng viện trợ này bao gồm đóng góp của chính quyền các bang, thành phố và một số tập thể, cá nhân trong cộng đồng người Việt tại Đức tài trợ trang thiết bị, vật tư y tế. Đây là kết quả nỗ lực vận động của Đại sứ quán với các bạn bè Đức yêu mến Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Đức.

Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ (trái) cùng đại diện các nhà tài trợ tại lễ tiếp nhận.

Cụ thể, bang Sachsen hỗ trợ 19.200 khẩu trang y tế KN95; thành phố Leipzig (gồm sự hỗ trợ của Đại học St. Georg, Đại học Leipzig và Bệnh viện Sana) với 9.100 khẩu trang y tế FFP2, 61.570 khẩu trang thường, 3.960 bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19, 4.400 bộ quần áo bảo hộ, 3.600 cuộn màng nilông y tế bảo vệ và 50 bộ vật tư phòng thí nghiệm; thành phố Heidelberg 38.950 khẩu trang y tế FFP2 và 40.600 bộ kit xét nghiệm; Công ty Si-US-Instrument 100.800 bộ kit xét nghiệm; Công ty Innovation Lab 500 khẩu trang y tế FFP2 và 1.000 bộ kit xét nghiệm; công ty Odenwald Trading 25.000 khẩu trang y tế.

Toàn bộ chuyến hàng viện trợ khoảng 10 tấn (trị giá 616.100 Euro, tương đương khoảng 16,7 tỷ đồng) sẽ được hãng hàng không Vietjet vận chuyển miễn phí về TP. Hồ Chí Minh trên chuyến bay VJ9515 (dự kiến khởi hành từ Hamburg ngày 19/8 và sẽ hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất vào sáng 20/8). Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh sẽ là đơn vị tiếp nhận lô hàng này.

Tham dự buổi lễ tiếp nhận viện trợ có đại diện ban Lãnh đạo tập đoàn Airbus, phi công hãng hàng không Vietjet và đại diện các nhà tài trợ.

Đại diện phía Đức và các nhà tài trợ bày tỏ ấn tượng với những kết quả tích cực mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong nỗ lực phòng chống đại dịch, chia sẻ về tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay và bày tỏ tin tưởng rằng với những nỗ lực của Chính phủ và toàn thể nhân dân, Việt Nam sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh.

Đại sứ Nguyễn Minh Vũ đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp từ phía chính quyền các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp Đức và cộng đồng người Việt tại Đức thông qua việc huy động các trang thiết bị, vật tư y tế ủng hộ Việt Nam phòng chống dịch Covid-19, thể hiện tình đoàn kết và hữu nghị giữa hai nước, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đại sứ cũng cảm ơn sự hỗ trợ của tập đoàn Airbus và hãng hàng không Vietjet trong việc kịp thời vận chuyển số hàng viện trợ trên về Việt Nam, đồng thời đánh giá cao sự hợp tác tốt đẹp giữa Airbus và Vietjet trong suốt thời gian qua kể từ khi Vietjet khai thác máy bay Airbus từ năm 2011.

Đại sứ mong rằng hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác nhiều mặt hơn nữa trong thời gian tới, không chỉ trong việc đặt hàng các tàu bay mà cả trong các lĩnh vực quan trọng khác, trong đó có đào tạo phi công…

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ đã làm việc với tập đoàn Airbus và thăm quan khu sản xuất máy bay của tập đoàn. Đại diện phía thành phố Leipzig cho biết TP. Hồ Chí Minh và thành phố Leipzig có quan hệ hợp tác bền vững và tốt đẹp.

Toàn bộ chuyến hàng viện trợ khoảng 10 tấn sẽ được hãng hàng không Vietjet vận chuyển miễn phí về TP. Hồ Chí Minh.

Khi tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đang có những diễn biến căng thẳng, chính quyền cũng như các bệnh viện ở thành phố Leipzig đã nhanh chóng huy động các hình thức đóng góp viện trợ cho Việt Nam chống dịch. Các bác sỹ cũng như chính quyền thành phố đang họp bàn để xem xét những biện pháp hỗ trợ tiếp theo cho Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Luật - Giám đốc Công ty Innovation Lab chia sẻ rằng là một người Việt sinh sống và làm việc ở Đức, khi Việt Nam đang gặp khó khăn trong cuộc chiến chống Covid-19, mọi người đều có tâm niệm tìm mọi cách góp phần hỗ trợ trong nước chống dịch.

Theo ông, tuy số hàng viện trợ khiêm tốn, song đây là tấm lòng của chính quyền sở tại và các công ty nhằm giúp Việt Nam sớm vượt qua dịch bệnh.

Nhân dịp này, Ban lãnh đạo Airbus đã đánh giá cao sự hợp tác tốt đẹp giữa Airbus với các hãng hàng không của Việt Nam nói chung và Vietjet nói riêng.

Máy bay vận chuyển lô hàng viện trợ trên về Việt Nam sẽ là chuyến bay đầu tiên của chiếc Airbus A-321 Neo mới mà hãng hàng không Vietjet tiếp nhận từ Airbus theo hợp đồng đã ký giữa hai bên (gần 200 chiếc).

Kiều bào hướng về quê hương, chung sức chống dịch Covid-19 Năm 2021 tiếp tục là một năm đầy khó khăn với người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới nhưng chưa khi nào tinh …

Ngoại giao trong tuần: Việt Nam đẩy mạnh ngoại giao vaccine; Bộ Ngoại giao lên tiếng về tình hình Afghanistan

img ]

Ngày 17/8/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí về công tác Ngoại giao vaccine. (Ảnh: Tuấn Anh)

Hoạt động của Bộ trưởng Ngoại giao

Ngày 18/8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị trực tuyến huy động hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar. Bộ trưởng cho biết, Việt Nam cam kết hỗ trợ bước đầu cho Myanmar khoản vật tư y tế trị giá 100.000 USD.

Ngày 17/8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa của việc thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine và nỗ lực ngoại giao vaccine của Bộ Ngoại giao.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, chiều 16/8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Tổ công tác với sự tham dự của Lãnh đạo và đại diện các Bộ Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Văn phòng Chính phủ.

Ngoại giao song phương

Ngày 21/8, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản) phối hợp cùng Hội người Việt Nam tại Fukuoka tổ chức thành công ‘Lễ phát động quyên góp ủng hộ Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19’ qua hình thức trực tuyến với nhiều điểm cầu tại Nhật Bản và Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến về thực trạng và triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ ngày 20/8, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ để khai thác hết tiềm năng quan hệ kinh tế giữa hai nước, đưa quan hệ phát triển ổn định, bền vững và hướng tới tầm cao mới.

Ngày 20/8, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng đã tiếp Đại sứ Áo Thomas Schuller Gotzburg đến chào từ biệt.

Ngày 17/8, Đại sứ Đặng Minh Khôi đã có chuyến thăm làm việc tại tỉnh Kaluga, nhằm thảo luận các hướng phát triển tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và tỉnh Kaluga, Liên bang Nga.

Ngoại giao đa phương

Chiều 20/8, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã tiếp ông Michael Croft, Trưởng đại diện Tổ chức Liên hợp quốc về Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) tại Việt Nam đến chào từ biệt kết thúc nhiệm kỳ.

Ngày 19/8, tại New York, Hoa Kỳ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp về mối đe doạ của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” (ISIL/Da’esh) đối với hoà bình và an ninh quốc tế. Trước đó, HĐBA LHQ tổ chức thảo luận mở về “Bảo vệ nhân viên gìn giữ hòa bình: Công nghệ và gìn giữ hòa bình” (18/7); nhất trí thông qua Tuyên bố Chủ tịch HĐBA LHQ về tình hình khu vực Tây Phi và Sahel (17/8); họp về nỗ lực của ASEAN cho vấn đề Myanmar (17/8); họp khẩn liên quan đến những diễn biến gần đây tại Afghanistan (16/8).

Chiều 19/8, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu họp trực tuyến với các Đại sứ, Đại biện các nước Trung Đông thường trú và kiêm nhiệm Việt Nam nhằm thông tin về đường lối đối ngoại và phát triển kinh tế của Việt Nam sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 cuat Đảng Cộng sản Việt Nam, trao đổi về các định hướng lớn trong hợp tác giữa Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông, rà soát và thúc đẩy hợp tác song phương trong tình hình mới.

Tin Người phát ngôn

Phát biểu trong buổi họp báo thường kỳ ngày 19/8 về quy định nhập cảnh đối với người đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời về việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng và giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 của người nước ngoài, trong đó công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 đã được giới thiệu chính thức qua đường ngoại giao của 44 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trả lời câu hỏi của TG&VN đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) về tình trạng biến đổi khí hậu năm 2021 công bố ngày 9/8/2021, bà Phạm Thu Hằng cho biết:

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam quyết tâm và cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có chủ động thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Liên quan đến thông tin Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA) gửi thư đến Thủ tướng Phạm Minh Chính để ủng hộ nỗ lực chống dịch Covid-19, Việt Nam hoan nghênh và trân trọng mọi sự giúp đỡ của các quốc gia và đối tác trong công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi mong muốn các nước và các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin, công nghệ, tài chính, y tế, vaccine để sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này. Về phần mình, Việt Nam cũng đã và đang tích cực hợp tác, góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong phòng chống đại dịch Covid-19.

Về tình hình Afghanistan hiện nay, bà Phạm Thu Hằng khẳng định:

Việt Nam quan tâm theo dõi tình hình Afghanistan và mong muốn Afghanistan sớm ổn định, vì lợi ích của người dân Afghanistan, vì hoà bình và ổn định ở khu vực.

Là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan không sử dụng vũ lực, bảo đảm an ninh, trật tự, cơ sở hạ tầng thiết yếu, tính mạng và tài sản cho người dân Afghanistan và người nước ngoài, nhất là phụ nữ và trẻ em, cũng như đảm bảo tiếp cận nhân đạo khi cần thiết.

Các hoạt động khác

Ngày 20/8, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức Tọa đàm trực tuyến lần 2 với chủ đề “Chuyên gia kiều bào chung tay vượt đại dịch - Vaccine Made in Vietnam”.

Ngày 19/8, Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Anh quốc và Quỹ Kondras Adenauer Stiftung (KAS) Đức tại Hà Nội tổ chức Đối thoại Biển lần thứ 7 (trực tuyến) với chủ đề “Đánh giá các vấn đề biển đang nổi lên từ góc độ luật pháp quốc tế”.

Ngày 16/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trao quyết định bổ nhiệm 3 Trợ lý Bộ trưởng và Phó Trưởng SOM ASEAN.

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Thành viên Hội đồng Tư vấn Đặc xá năm 2021 trả lời phỏng vấn về ý nghĩa của việc triển khai công tác đặc xá và sự tham gia của Bộ Ngoại giao vào công tác này.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu trả lời phỏng vấn về những tình cảm, tấm lòng và “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” của bà con kiều bào hướng về quê hương đất nước, chung tay cùng vượt qua đại dịch.

Lễ tân Ngoại giao: Chuyện những người đứng sau cánh gà Nghề lễ tân ngoại giao có vất vả không? Câu trả lời luôn luôn là có, đi cùng những sự căng thẳng, khó khăn, dễ …